Tại Trung tâm Dạy nghề và Việc làm cho thanh niên khuyết tật (số 479/33/72 Huỳnh Thị Hai, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM), người khuyết tật được dạy nghề, có làm việc để tự nuôi sống bản thân và gia đình.
Chiếc “cần câu” quý giá
Trung tâm Dạy nghề và Việc làm cho thanh niên khuyết tật do TS Trần Văn Tín, người Quảng Nam, thành lập năm 2006 với tên gọi ban đầu là Trung tâm Bảo trợ người khuyết tật thanh niên.
Tốt nghiệp thủ khoa Đại học Bách khoa TPHCM năm 1987, Trần Văn Tín được nhận học bổng du học ở Nga ngành máy tính điện tử và đã nỗ lực lấy được bằng tiến sĩ. Nhà chỉ có 2 anh em, thương người em gái út bị nhiễm chất độc da cam, Trần Văn Tín quyết định trở về nước để làm việc và chăm em gái. Trong những ngày chăm em, Trần Văn Tín luôn suy nghĩ tìm cách để hỗ trợ những trường hợp như em gái mình trở thành người có ích. Nghĩ vậy, ông quyết định mở một trung tâm dạy nghề chuyên về điện tử cho các bạn khuyết tật. Có bao nhiêu vốn ông dồn hết vào việc mở Trung tâm Dạy nghề và Việc làm cho thanh niên khuyết tật tại Bình Dương và phát triển thêm một trung tâm nữa tại quận 12 (TPHCM).
TS Trần Văn Tín chia sẻ: “Tôi muốn giúp các bạn khuyết tật “chiếc cần câu” để các bạn có thể tự lo cho cuộc sống của mình và có động lực hòa nhập hơn với cộng đồng. Khi mới mở trung tâm cũng gian nan lắm, vốn ít nên đã được bạn bè hỗ trợ nhiều. Và để duy trì, tôi phải dành 87% khoản thu nhập đi dạy cho chi phí hoạt động của trung tâm, chỉ giữ lại 13% để chi tiêu trong gia đình. Để dạy nghề, lúc nào rảnh thì tôi lại lên lớp dạy, có khi đến tối thầy trò mới có thể ngồi lại dạy và học. Các học viên rất chăm chỉ và có ý chí, nên sớm bắt nhịp được với công việc”.
Từ 5 học viên ban đầu, đến nay, trung tâm đã đào tạo hàng ngàn học viên. Ngoài việc dạy tại trung tâm, ông Tín còn mở các lớp dạy miễn phí ở nhiều tỉnh trên cả nước và có xưởng sản xuất riêng tại TPHCM để các công nhân khuyết tật ở lại làm việc. Là một trong những học viên khuyết tật đầu tiên của trung tâm, anh Nguyễn Thành Tài (39 tuổi, quê Bình Dương) đã lành nghề và trở thành người thợ chính trong xưởng. Do chăm chỉ, có tinh thần vượt khó và tận tâm với đồng nghiệp, anh Tài đã được ông Tín tin cậy giao quản lý rồi trở thành Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Việc làm cho thanh niên khuyết tật.
Hiện sản phẩm của người khuyết tật làm ra gồm các loại bóng đèn LED, đèn trang trí, đèn bắt muỗi, tủ bù tiết kiệm điện… Xưởng có hơn 40 công nhân, trong đó có 30 người lao động được, còn 10 người sức khỏe yếu, hoặc bị thiểu năng, chủ yếu làm công việc quét dọn và ráp bút bi. Hàng tháng, các công nhân lành nghề được trung tâm chuyển vào tài khoản 3 triệu đồng tiền công cố định và phần trăm tiền lãi do trung tâm thu được. Mọi chi phí ăn, ở, đi lại của học viên và công nhân đều được ông Tín lo hết. Ở đây, mọi người sống chan hòa, ấm áp như trong một gia đình lớn.
Những đứa trẻ hạnh phúc
Anh Tài tâm sự: “Người khuyết tật chúng tôi luôn e dè và ngại mở lòng mình với cuộc sống xung quanh. Chúng tôi luôn e ngại sẽ trở thành gánh nặng của người khác, sẽ làm phiền xã hội. Vì vậy khi được thầy Tín dạy nghề, tạo việc làm ổn định, có thu nhập đủ để trang trải cho cuộc sống, chúng tôi mới thực sự dám nghĩ đến hạnh phúc của mình”.
Đến nay, tại ngôi nhà chung là Trung tâm Dạy nghề và Việc làm cho người khuyết tật, đã có 8 gia đình nhỏ là kết quả của tình yêu, sự vun đắp về cả tinh thần và vật chất mà trung tâm mang lại. Có người lập gia đình với bạn đời ở bên ngoài, cũng có những người gặp gỡ, yêu nhau rồi cưới nhau ngay trong trung tâm.
Luôn dành cho nhau sự quan tâm nên vợ chồng trẻ Nguyễn Minh Trung (30 tuổi, quê Long An) và Trần Thị Huỳnh Anh (23 tuổi, quê Tiền Giang) luôn khiến các thành viên trong trung tâm rất ngưỡng mộ. Sau một cơn sốt khi mới được vài tháng tuổi, anh Trung bị bại liệt khiến tay co quắp, chân yếu không đi được, phải ngồi xe lăn. Còn chị Huỳnh Anh đang học lớp 12 thì bị tai nạn giao thông làm tật nửa bên người. Những tưởng họ chỉ sống lay lắt phần đời còn lại, nhưng rồi họ đã tìm được hạnh phúc cho mình khi trở thành thành viên của ngôi nhà chung nhân ái này. Chị Huỳnh Anh tâm sự: “Lúc bị tai nạn giao thông phải thành người khuyết tật, tôi đã tưởng cuộc đời mình coi như chấm hết. Thế nhưng khi biết được thông tin về việc trung tâm này có nhận dạy nghề cho người khuyết tật, tôi bừng tỉnh và nghĩ rằng mình không thể phụ thuộc cả đời vào cha mẹ, thế là tôi xin gia đình cho lên đây học nghề. Ở đây, cuộc đời tôi đã sang một trang mới. Tôi học nghề, thành thạo, kiếm được tiền nuôi mình, còn phụ cha mẹ và có được hạnh phúc từ chính nơi này. Tôi luôn chân thành biết ơn thầy Tín và các anh chị trong trung tâm”. Hiện nay, mỗi tháng cặp vợ chồng trẻ này lại tiết kiệm được một khoản tiền để gửi về quê, và một khoản giữ lại để làm vốn riêng phòng khi có việc.
Đã có 8 đứa trẻ chào đời ngay trong trung tâm, tất cả đều khỏe mạnh. Để giúp các thanh niên khuyết tật dần ổn định về kinh tế khi mới sinh con, trung tâm còn hỗ trợ chi phí nuôi em bé từ lúc sơ sinh cho đến khi bé được 1 tuổi.
THU HƯỜNG